Những con đường nêu lung linh đèn led rực sáng trong đêm đã điểm tô thêm sắc Xuân cho những vùng quê với vẻ đẹp huyền ảo tại Nghệ An.
Cây nêu là cây được trồng trước sân nhà mỗi dịp tết Nguyên Đán, trên ngọn cây đeo một vòng tròn nhỏ và treo nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng tùy theo địa phương, phong tục, dân tộc.
Trong ngày Tết Nguyên Đán, người Việt Nam thường dựng cây nêu và coi đây là biểu tượng thiêng liêng, tránh những xui xẻo, mang lại may mắn cho năm mới.
Cây nêu được dựng với mục đích ban đầu, theo truyền thuyết, nhằm ngăn ngừa không cho quỷ từ biển Đông vào đất liền và bén mảng đến nơi người cư ngụ.
Tuy nhiên, theo thời gian, theo địa phương, theo dân tộc và tập quán của cộng đồng, ý nghĩa của việc trồng cây nêu ngày Tết đã trải rộng hơn.
Cây nêu thường là cây tre dài khoảng 5 – 6 mét, được dựng trước sân nhà.
Người kinh dựng nêu vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, là ngày Táo Quân lên chầu Trời.
Người Mường trồng cây nêu vào ngày 28/12 âm lịch, người H’mông dựng cây nêu trong lễ hội Gầu tào (cầu phúc hoặc cầu mệnh) tổ chức từ ngày 3 đến ngày 5 tháng giêng âm lịch.
Ngày dựng cây nêu gọi là lên nêu, ngày 7/1 âm lịch là ngày hạ nêu.
Một số hình ảnh trang trí cây nêu lung linh tại Nghệ An

Đêm về trên Quốc lộ 7 đoạn qua huyện Đô Lương rực rỡ hơn bởi 2 dãy cây nêu gắn thêm đèn led rực rỡ nối dài qua nhiều xã.


Những cây nêu cách tân thường được treo rất nhiều thứ cùng hệ thống đèn led phát sáng trong đêm.

Một cây nêu độc đáo mang hình con lợn của một nhà dân ở xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương.


Một cây nêu “độc” với 3 lồng đèn, 1 lá cờ và 2 câu đối của một nhà dân ở khu vực chợ Dùng xã Thanh Đồng.
Người dân thích thú với những cây nêu Tết rực rỡ trong đêm.
Dựng nêu đón Tết không chỉ góp phần gìn giữ một phong tục đẹp có từ ngàn xưa, mà còn làm cho không khí vui Tết đón Xuân ở các địa phương thêm phần sôi động.